Internet vệ tinh là đối tác thay vì đối tượng cạnh tranh với các nhà mạng
Đăng lúc: 09:37:07 06/07/2023 (GMT+7)

Internet vệ tinh không cạnh tranh với các dịch vụ viễn thông truyền thống, trái lại còn mang đến cơ hội hợp tác trong bối cảnh doanh thu nhà mạng sụt giảm.

Thị trường cạnh tranh gay gắt đẩy các nhà khai thác vệ tinh tiến sâu hơn vào không gian viễn thông nhằm theo đuổi phân khúc Internet băng thông rộng, giao thức kết nối trực tiếp thiết bị (D2D) và IoT.
Song, giới chuyên gia nhận định điều này mang lại cơ hội hợp tác hơn là mối đe doạ với các nhà cung cấp dịch vụ (CSP) trong thị trường viễn thông truyền thống.
Arun Menon, giám đốc phân tích tại hãng tư vấn MTN Consulting, cho biết có ba lý do chính khiến các nhà cung cấp vệ tinh sẽ không nổi lên như một giải pháp thay thế cho công ty viễn thông.
Đầu tiên, dịch vụ tiềm năng của các nhà khai thác vệ tinh hiện tại đang tập trung vào việc giải quyết các lỗ hổng về vùng phủ sóng hơn là cung cấp hiệu suất. Các vệ tinh chưa thể phù hợp với hiệu suất mạng và tốc độ của các dịch vụ kết nối 5G từ phía CSP.

qnxh2w24f5n4tbkd2z4cf3fosujpg-copy-rt-806.jpg
Nhà mạng không nên coi dịch vụ Internet vệ tinh là đối thủ cạnh tranh.
Thứ hai, số lượng vệ tinh và phổ tần của các nhà khai thác vệ tinh không đủ để cung cấp vùng phủ sóng và hiệu suất ở quy mô tương tự như CSP.
Và thứ ba, họ phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý, “đây là vấn đề đau đầu đối với các nhà khai thác vệ tinh có kế hoạch hoạt động ở quy mô toàn cầu rộng hơn so với các công ty viễn thông”, Menon nói.
Tối ưu cơ sở hạ tầng viễn thông
Menon và Lluc Palerm Serra, chuyên gia phân tích chính tại công ty nghiên cứu vệ tinh NSR, chung nhận định rằng các nhà khai thác vệ tinh mang lại cơ hội và lợi ích to lớn cho CSP.
“Thông qua quan hệ đối tác, các dịch vụ tiềm năng của các nhà khai thác vệ tinh, đặc biệt là D2D và IoT, cho phép doanh nghiệp viễn thông tối ưu hóa các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của họ (capex và opex) để triển khai ở những khu vực có vùng phủ sóng hạn chế hoặc vùng lõm di động. Một điểm cộng khác cho các công ty viễn thông là trải nghiệm khách hàng nâng cao được bổ sung bởi một mạng phủ sóng khắp nơi,” Menon nói.
Ông nói thêm: “Ngoài ra, có một cơ hội doanh thu lớn cho các công ty viễn thông có thể được tận dụng thông qua quan hệ đối tác với các nhà khai thác vệ tinh trong các phân khúc thị trường D2D và IoT. Chẳng hạn, GSMA Intelligence ước tính tổng cơ hội doanh thu D2D gia tăng cho các công ty viễn thông là hơn 30 tỷ USD vào năm 2035, trải rộng trên các phân khúc khách hàng là người tiêu dùng, doanh nghiệp (B2B/IoT) và khách hàng chính phủ.”
MTN cho biết “cuộc chiến giành không gian” đã đạt được động lực trong vài năm qua. Tính đến tháng 5/2022, khoảng 4.700 vệ tinh LEO (địa tĩnh quỹ đạo thấp) đang hoạt động đã được phóng – gấp 16 lần so với số lượng được triển khai cách đây một thập kỷ.
Hợp tác “đôi bên cùng có lợi”
Từ góc độ toàn cầu, Palerm Serra nói: “Tôi không thấy vệ tinh cạnh tranh với các công ty viễn thông trên mặt đất. Vệ tinh sẽ luôn là công nghệ tốt nhất cho các vùng sâu vùng xa, khu vực chỉ chiếm 3% mạng lưới. Ngày nay, vệ tinh chiếm khoảng 1% tổng số hệ sinh thái viễn thông. Nếu con số đó tăng lên (khoảng 5%), thì đó là một cơ hội lớn cho ngành công nghiệp vệ tinh,” nhưng như vậy vẫn không có tác động lớn đến phân khúc viễn thông.

iot-rural2e16d0bafill-1000x600-807.jpg
Hợp tác giữa CSP và các công ty vệ tinh mang lại tiềm năng ứng dụng IoT rộng rãi.
Dù vậy, ở một số lĩnh vực cụ thể, áp lực cạnh tranh có thể diễn ra, chẳng hạn như khi các CSP tập trung phủ sóng vùng sâu vùng xa và không có khả năng đầu tư cho cáp quang.
Menon chỉ ra hai lĩnh vực tiềm năng mà các nhà khai thác vệ tinh có thể cạnh tranh với các công ty viễn thông trong tương lai: phương tiện kết nối và D2D. Ví dụ, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely, đang triển khai 9 vệ tinh cho xe tự lái, trong khi Elon Musk có kế hoạch kết nối xe Tesla thông qua vệ tinh Starlink trong tương lai. Tương tự, các công ty như AST SpaceMobile, SpaceX và Lynk đang nhắm mục tiêu vào lĩnh vực D2D.
Palerm Serra cũng cho rằng, những CSP lớn có các vệ tinh mang tầm quốc gia sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong tương lai. “Chúng tôi thấy nhiều ứng dụng được mở ra nhờ công nghệ mới trong lĩnh vực vệ tinh, chẳng hạn như xoá vùng lõm sóng. Ví dụ, ở Mỹ có 94% dân số được bao phủ sóng viễn thông mặt đất, nhưng tính trên diện tích lãnh thổ thì mới được 40%”.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho ứng dụng IoT trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, năng lượng. Khi đó, việc hợp tác giữa vệ tinh và doanh nghiệp viễn thông giúp đôi bên cùng có lợi, chẳng hạn như quan hệ đối tác giữa Deutsche Telekom và Skylo và Intelsat, hay như Telefonica và Sateliot.
“Đối với các công ty viễn thông, việc cung cấp dịch vụ IoT cho các doanh nghiệp ở địa điểm xa xôi là không khả thi về mặt tài chính do tốn kém chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thâm dụng vốn bao gồm hàng dặm cáp quang và một số tòa tháp ở các vùng sâu vùng xa”, Menon nói. “Thông qua quan hệ đối tác với các nhà khai thác vệ tinh, các công ty viễn thông có thể giải quyết các lỗ hổng kết nối khi sóng 5G còn yếu hoặc chưa được xây dựng”.
(Theo Inform)
 
Tin khác

Đối tác tiêu biểu

  • 5
  • Viettel
  • Mobifone